Yeucontre.blogspot.com

Cho con được phát huy đúng đam mê và năng khiếu

Thứ Ba, 12 tháng 11, 20130 nhận xét

Trong một lần làm khóa học, một học viên đến chia sẻ với tôi về ước mơ của em. Cuộc trò chuyện diễn ra khó khăn vì em có vẻ lo sợ khi đề cập đến điều này. Cuối cùng, em cũng thành thật chia sẻ là em muốn trở thành thủ môn của đội tuyển bóng đá quốc gia nhưng gia đình (cụ thể là ba mẹ) không chấp nhận và bắt em phải học về kinh tế. Phải lắng nghe và chia sẻ rất lâu nữa tôi mới giúp được em tự tin trở lại với ước mơ đó, để em dám nói chuyện một cách nghiêm túc với ba mẹ để tìm sự hỗ trợ từ gia đình. Tôi cảm thấy lo lắng bởi tình trạng này phổ biến ở nhiều gia đình, thậm chí trong nhà trường. Các em không được tôn trọng ước mơ cũng như không được tạo điều kiện để phát huy khả năng hướng đến ước mơ. Mọi thứ phải đi theo một khuôn mẫu chuẩn của đám đông mới gọi là… bình thường, còn ngược lại thì bị xem là… bất thường. Suy nghĩ này chẳng giải quyết được gì ngoài việc để lại trong các em sự ức chế, nếu kéo dài sẽ dễ sinh ra bi kịch. Tôi tin rằng giáo dục là để giúp con người trở nên sống có giá trị và hữu ích nhất. Để sống có giá trị, các em cần được nâng cao năng lực về trí tuệ & cảm xúc. Năng lực ấy được hình thành từ khi còn rất nhỏ và phát triển theo thời gian. Vai trò của cha mẹ, nhà trường, xã hội là rất quan trọng. Tôi sẽ chia sẻ về chủ đề này ở bài viết khác. Cái tôi muốn đề cập trong bài viết này là vế thứ hai: con người hữu ích nhất. Hữu ích ở đây là có ích với chính bản thân, gia đình và xã hội thông qua giá trị họ tạo ra. Cụ thể hơn là họ có một công ăn việc làm lương thiện dựa trên năng lực thật của mình. Năng lực thật được hình thành qua quá trình học tập, tích lũy tri thức, không ngừng sáng tạo với ý chí cầu tiến. Đó là hữu ích, còn hữu ích nhất thì cần thêm một yếu tố nữa là giá trị họ tạo ra phải nhiều nhất. Và muốn tạo ra giá trị nhiều nhất thì họ phải được làm công việc họ đam mê vì đó là cơ sở giúp họ tự chui rèn, học hỏi, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, đam mê còn là động lực mạnh mẽ giúp vượt qua những trở ngại. Đam mê thường xuất hiện một cách tự nhiên trong lứa tuổi đi học do tính tò mò, muốn khám phá thế giới. Đam mê sẽ thay đổi hoặc được củng cố theo thời gian, khi các em có cơ hội khám phá nhiều hơn hoặc đi sâu vào một lĩnh vực nào đó. Ngày 13/8 được xem là ngày quốc tế của khoảng 11% những người thuận tay trái. Ở nhiều lớp học hiện nay, các em học sinh thuận tay trái thường bị ép viết bằng tay phải. Dĩ nhiên, luyện riết thì các em  sẽ viết được thôi, nhưng tôi chưa tìm được một lý do nào thuyết phục để giải thích cho hiện tượng này. Tại sao các em lại không được viết bằng tay trái trong khi đó là tay thuận? Cháu tôi cũng là một “nạn nhân” của quan điểm giáo dục kì cục này. Khi sinh ra nó thuận tay trái nhưng đi học thì cô giáo bắt viết bằng tay phải. Đây là điều hết sức vô lý và không nên được khuyến khích. Hiện nay, hầu như mọi đồ dùng được các nhà sản xuất chế tạo cho cả những người thuận tay trái rồi nên không có gì phải lo lắng cả. Việc thuận tay trái chứng tỏ bán cầu não phải phát triển mạnh (không có nghĩa là bán cầu não trái không phát triển), đó là lợi thế cho các hoạt động liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo,… Đây là điều hết sức bình thường và lẽ ra cần được khuyến khích trong nhà trường. Tiếc rằng hiện nay giáo dục đang quá chú trọng vào trí dục mà vô tình xem nhẹ đức dục, thể dục và mỹ dục – những chức năng của bán cầu não phải. Một lần trò chuyện với đồng nghiệp, bạn ấy tâm sự là có đứa em năm nay đang học cấp ba, do vốn mê công việc làm đẹp (trang điểm, làm tóc,…) nên học hành thường chểnh mảng. Nhưng mỗi khi được làm điều mình thích thì em lại rất hăng say và tạo được kết quả tốt. Gia đình không hài lòng, cố gắng bẻ hướng, khuyên răn mà chưa được. Sau khi lắng nghe, tôi chia sẻ rằng bạn ấy nên tôn trọng người em để em ấy được phát huy sở trường của mình, thông qua việc tạo ra một môi trường đúng đắn, giúp em phân định đúng – sai, hay – dở, chân – giả,… để không vướng vào thói hư tật xấu là được. Còn việc yêu thích làm đẹp (hay rộng hơn là nghệ thuật) chẳng có gì sai cả. Ngược lại nữa là khác, đam mê đó cần được gia đình ủng hộ để em được phát triển mình. Tôi nhớ đến anh bạn rất đáng học hỏi: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84670/ngay-cat-6-mai-toc–luong-hon-50-trieu-moi-thang.html. Dĩ nhiên, tôi không khuyến khích là bỏ học nửa chừng hoặc không học để chạy theo đam mê (có dịp tôi sẽ viết về đề tài này). Cái tôi muốn chia sẻ ở đây là làm sao ngay từ đầu các em đã được tôn trọng ước mơ của mình và tạo điều kiện đúng đắn để đi đúng hướng? Bởi làm ngược lại chỉ có hại chứ không có lợi, thậm chí còn có thể dẫn đến những bi kịch đáng tiếc. Ví dụ những tin tức mà cứ mỗi mùa thi đại học lại nghe nhan nhãn, đó là chuyện các sĩ tử trở thành… tử sĩ khi trượt đại học. Các em đang bị một áp lực vô hình ghê gớm từ xã hội, tệ hơn là từ gia đình và nhà trường. Một hoàn cảnh rất thương tâm cách đây một năm là cái chết của một em học sinh lớp 10 trường Ngô Quyền. Trước khi ra đi em có để lại 5 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có một lá thư em chia sẻ ước mơ của mình là muốn trở thành ca sĩ. Theo dõi vụ đó, tôi chưa thấy một kết luận nào của vụ việc nói rằng em bị thầy phản đối ước mơ, nhưng điều đó cũng thể hiện một vấn nạn cần những người có trách nhiệm lưu tâm, khi mà nhiều em có những ước mơ hơi… khác với mọi người. Tóm lại, vòng vo tam quốc chỉ để muốn chia sẻ rằng: hãy cho các em được phát huy bản thân một cách tự nhiên nhất, theo đúng đam mê hay tài năng của chúng cho dù có thể khác với mong muốn của người lớn, bởi tôi tin rằng mỗi người khi sinh ra đều tồn tại một năng khiếu hoặc ít ra thì cũng thiên hướng về một thế mạnh nào đó (bạn có thể tìm hiểu thêm về thuyết trí thông minh đa dạng được Giáo sư tâm lý học Howard Gardner của Đại học Harvard công bố). Cha mẹ đừng vì ngày xưa mình không làm được nên giờ muốn con phải đạt được cái mình muốn hoặc định hướng cho con theo cái cha mẹ cho là tốt vì yêu thương con. Thật ra, đó là thứ tình thương xuất phát từ sự ích kỷ. Chỉ cần tạo cho các em một môi trường giáo dục trong gia đình (và cả nhà trường) bằng tình yêu thương thuần khiết: là chấp nhận, ủng hộ, phát triển nội lực và nhận thức để giúp các em phân biệt và tránh xa những cạm bẫy xã hội. Như thế là đủ!

Theo www.vuductrithe.com
Share this article :

Đăng nhận xét