Yeucontre.blogspot.com

Trưởng thành là qua trải nghiệm

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 20130 nhận xét

Trải nghiệm, đó là từ ai cũng nghe, cũng biết và thật ra cũng đã và đang làm trong cuộc sống của mình. Chính trải nghiệm mới đem lại sự trưởng thành trọn vẹn, chứ không phải tuổi tác. Dĩ nhiên, tuổi tác sẽ càng đóng góp vào quá trình tích lũy trưởng thành, nhưng chỉ là một phần trong sự phát triển. Nó thể hiện ở phương diện sinh học nhiều hơn là tâm lý.

Sáng nay tôi có buổi chia sẻ về chủ đề này cho quý vị phụ huynh và thấy họ gật gù tỏ vẻ tâm đắc. Hình như thông điệp đã chạm được vào họ, giúp họ nhìn lại mình trong cách giáo dục con cái. Ở một bài viết trước tiêu đề “Mỗi lăng kính một vẻ đẹp”, tôi có chia sẻ lý do về sự tồn tại CÁI TÔI bên trong mỗi người. Xin tóm tắt lại thật nhanh thế này. Cái tôi của chúng ta hình thành và phát triển ở những năm tháng phát triển đầu đời. Khi trẻ còn rất nhỏ, không có khả năng tự làm thì cha mẹ can thiệp trực tiếp vào quá trình ấy. Điều này là hoàn toàn bắt buộc, tuy nhiên chính vì thế vô tình truyền một thông điệp cho trẻ rằng chúng là vua vì xung quanh ai cũng “phục tùng” chúng. Trẻ không hề biết người lớn làm vậy bởi xuất phát từ tình yêu thương muốn giúp đỡ bằng cách làm thay. Do đó để hạn chế, quý phụ huynh vẫn thể hiện tình yêu thương ấy cho đến khi trẻ biết suy nghĩ hơn, hãy cho chúng hiểu rằng ba mẹ rất thương và đang giúp đỡ con, chứ không phải ba mẹ phải phục vụ con. Khi trẻ lớn hơn nữa và có khả năng làm một số việc, hãy cho chúng tham gia phụ giúp việc nhà hoặc tự chăm sóc mình để giáo dục tính tự lập nơi trẻ.

Quay lại vấn đề trưởng thành tôi đang đề cập. Nếu chỉ chọn một bí quyết để tự phát triển, hoặc giúp một ai đó phát triển, với tôi đó chính là tạo cho mình hoặc người cần giúp cơ hội để TRẢI NGHIỆM. Bởi vì đây là thứ duy nhất người khác không làm thay mình được, cho dù họ có nỗ lực vừa làm mẫu vừa giảng lại. Vì nếu làm thay, ngay lập tức sự TRẢI không còn, và dĩ nhiên sự NGHIỆM sẽ giảm hẳn. Chính sự TRẢI góp phần giúp sự NGHIỆM sâu sắc hơn. Khi ta nghiệm, đồng thời biết gắn cái nghiệm ấy vào HOÀN CẢNH RIÊNG CỦA BẢN THÂN, đó chính là SỰ TRƯỞNG THÀNH. Điều này cũng giải thích tại sao hai người học cùng trường, cùng lớp, cùng môn, cùng thầy cô, cùng giáo trình,… nhưng kết quả cuộc sống lại khác nhau. Bởi sự TRẢI và NGHIỆM của hai người khác nhau, đặt trong hoàn cảnh sống của bản thân cũng khác nhau.

Năm ba đại học, có một lần bố giúp tôi một số tiền để tham gia vào một tổ chức kinh doanh lừa đảo sau khi bị tôi nằng nặc thuyết phục. Dĩ nhiên khi ấy tôi còn non dạ không thể nhận ra. Thậm chí với sức trẻ và khả năng lý luận của mình, tôi dám đương đầu với bất kỳ sự phản ứng nào, từ bất kỳ ai để chứng mình mình đúng. Sau bốn tháng làm việc, tôi bắt đầu để ý có nhiều thứ bất ổn, và tôi quyết định nghỉ. Khi đó tôi có phần trách thầm bố rằng tại sao biết mà không cản, không những vậy còn “tiếp tay”. Sau này tôi mới hiểu đó chính là cách bố dạy tôi. Dĩ nhiên, bố phải đảm bảo rằng số tiền và lượng thời gian mất mát kia không quá lớn để đánh đổi được bài học. Chính vì vậy, bố để tôi trải nghiệm hơn là ngồi nói lý với nhau

Cách đây vài tháng, tôi bị giựt đồ và tài sản “ra đi” khá lớn. Đó là một trải nghiệm mang tính bị động vì không ai muốn. Thế nhưng đúng là phải như thế mới đủ đô cho tôi thấm sâu sắc về việc ra đường phải cẩn trọng, cho dù trước đó tôi nghe điều này một ngàn lần. Chắc chắn rồi, bây giờ tôi cẩn thận hơn rất nhiều, đi đâu cũng nhìn trước ngó sau. Một bài học không ai dạy tôi được!

Dĩ nhiên, không cần mọi thứ chúng ta đều phải trải qua thì mới có thể khôn ra, bởi nếu thế thì chẳng ai trên đời này được xem là khôn cả. Cho nên mới cần cái thứ hai là CHIÊM NGHIỆM và thứ ba là CHỨNG NGHIỆM. Hai cái này người khác cho mình được, sách vở cho mình được, quan sát cho mình được,… Nói chung là nếu làm tốt hai cái này sẽ bổ trợ rất nhiều cho cái TRẢI NGHIỆM ở trên, giúp giảm thiểu rủi ro, hạn chế thời gian lãng phí và tiền bạc mất mát.

Chúc tất cả chúng ta hãy nỗ lực mỗi ngày phát triển mình ở cả ba phương diện: TRẢI NGHIỆM, CHIÊM NGHIỆM và CHỨNG NGHIỆM để đạt được sự vững chắc như kiềng ba chân.

* Cũng nói thêm rằng mô hình tam nghiệm này tôi tham khảo và học hỏi được từ một buổi nói chuyện với chú Lý Trường Chiến, một người rất nổi tiếng.

Nguồn: vuductrithe.com
Share this article :

Đăng nhận xét